Luật sư tư vấn nội bộ doanh nghiệp
Luật sư tư vấn nội bộ doanh nghiệp
Quý khách có nhu tư vấn pháp luật lao động cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.
Bài viết được cập nhật đến tháng 3/2024, bất kỳ sự thay đổi về pháp luật nào chưa được cập nhật, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được hỗ trợ.
Các doanh nghiệp yêu cầu tư vấn pháp luật để hoạt động, kinh doanh đúng quy định của pháp luật; phòng ngừa các rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Các doanh nghiệp trở thành nguồn khách hàng chủ yếu và mang lại nguồn thu nhập cao cho luật sư. Hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp cũng trở thành một trong những dịch vụ pháp lý và hoạt động nghề nghiệp chủ yếu của luật sư. Nhiều luật sư phát triển nghề nghiệp của mình theo hướng chuyên môn hóa về tư vấn doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp và chuyên sâu.
Bài viết này trình bày khái lược một số vấn đề lý luận về tư vấn doanh nghiệp và kỹ năng của luật sư trong việc tư vấn pháp luật doanh nghiệp.
1. Khái niệm, đặc điểm tư vấn doanh nghiệp
“Tư vấn doanh nghiệp” là cách gọi vắn tắt của “tư vấn pháp luật về doanh nghiệp”, “tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp”. Nói đến “tư vấn pháp luật về doanh nghiệp” là nói đến lĩnh vực, nội dung tư vấn. Nói đến “tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp” là nói đến đối tượng yêu cầu tư vấn, được tư vấn, nói đến khách hàng của luật sư là các doanh nghiệp.
1.1. Khái niệm doanh nghiệp và các loại hình doanh nghiệp
Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh[1]. Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một hoặc một số công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi[2].
Tùy theo mục đích nghiên cứu và tiêu chí phân loại khác nhau, doanh nghiệp được chia thành nhiều loại khác nhau. Nếu xét từ dấu hiệu sở hữu, có thể chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp của các tổ chức, tổ chức chính trị – xã hội,… Nếu xét về phương thức đầu tư vốn, có thể chia doanh nghiệp thành doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Căn cứ vào hình thức pháp lý của doanh nghiệp được quy định theo Luật doanh nghiệp 2005, có các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên), Công ty cổ phần, Công ty hợp doanh và doanh nghiệp tư nhân.
1.2. Khái niệm và đặc điểm tư vấn doanh nghiệp
Để hiểu thế nào là tư vấn doanh nghiệp, trước hết cần tìm hiểu khái niệm chung về tư vấn pháp luật. Tư vấn pháp luật là một trong những dịch vụ pháp lý và hoạt động nghề nghiệp chủ yếu của luật sư. Điều 4 Luật Luật sư 2006 ghi nhận: “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Điều 28 Luật Luật sư 2006 định nghĩa: “Tư vấn pháp luật là việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ”.
Từ khái niệm chung về tư vấn pháp luật, chúng ta có thể định nghĩa “tư vấn doanh nghiệp” như sau: “Tư vấn doanh nghiệp là hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư đối với doanh nghiệp,liên quan đến việc thành lập, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm việc luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp doanh nghiệp soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp”.
Qua định nghĩa nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm của tư vấn doanh nghiệp:
+ Luật sư có thể tư vấn doanh nghiệp bằng cách đưa ra hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Nội dung yêu cầu tư vấn của doanh nghiệp trong trường hợp này thường là câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Kết quả của việc tư vấn này đòi hỏi luật sư đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp thực hiện.
+ Luật sư cũng có thể tư vấn cho doanh nghiệp đưa ra ý kiến pháp lý, tức là đưa ra các ý kiến, nhận định, đánh giá của luật sư đối với nội dung yêu cầu tư vấn nào đó của doanh nghiệp đưa ra. Nội dung yêu cầu tư vấn của doanh nghiệp trong trường hợp này thường là câu hỏi: “Vấn đề này như thế nào? Đúng hay sai?”.
+ Luật sư cũng có thể tư vấn bằng cách giúp doanh nghiệp soạn thảo các văn bản theo yêu cầu của doanh nghiệp. Chẳng hạn soạn thảo Điều lệ Công ty, Hợp đồng, soạn thảo các công văn, thư từ thương lượng với đối tác, thư yêu cầu thu hồi công nợ, thông báo, …
Trên thực tế, một hoạt động tư vấn doanh nghiệp của luật sư thường là tổng hợp của tất cả những biểu hiện nêu trên. Đối với mỗi yêu cầu tư vấn của doanh nghiệp, trước hết luật sư đưa ra ý kiến, sau đó tư vấn các giải pháp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện và trong nhiều trường hợp, theo yêu cầu của doanh nghiệp, luật sư sẽ soạn thảo giúp doanh nghiệp các văn bản cần thiết để thực hiện các giải pháp pháp lý mà luật sư đã nêu ra cho doanh nghiệp lựa chọn.
Tư vấn doanh nghiệp không chỉ “gói gọn” trong Luật doanh nghiệp, Luật thương mại mà còn phải áp dụng, vận dụng rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật đất đai, Luật phá sản, các văn bản pháp luật về thuế, các văn bản pháp luật chuyên ngành (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật chứng khoán,…),… thậm chí trong nhiều trường hợp, phải áp dụng các Điều ước quốc tế (các cam kết gia nhập WTO, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định thương mại song phương,…), tập quán quốc tế (Incoterms 2000, 2010; UCP 600,…).
Từ định nghĩa và đặc điểm của tư vấn doanh nghiệp, chúng ta cũng có thể thấy được vai trò của hoạt động này. Vai trò của tư vấn doanh nghiệp là giải đáp pháp luật, hướng dẫn doanh nghiệp ứng xử đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và tránh rủi ro trong kinh doanh.
2. Một số nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư vấn doanh nghiệp
Tư vấn pháp luật nói chung và tư vấn doanh nghiệp là hoạt động đòi hỏi sự lao động trí óc cẩn trọng, sâu sắc. Do vậy, khi tư vấn, luật sư phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau đây:
Ngoài những nguyên tắc cơ bản nêu trên, trong quá trình luật sư tư vấn cho doanh nghiệp, luật sư còn phải tuân thủ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư.
3. Các hình thức tư vấn doanh nghiệp
Có nhiều hình thức tư vấn doanh nghiệp khác nhau theo các tiêu chí phân loại khác nhau.
Căn cứ vào cách thức chuyển tải, truyền đạt nội dung tư vấn, có thể phân chia tư vấn doanh nghiệp thành hai hình thức: Tư vấn doanh nghiệp bằng văn bản (kể cả văn bản điện tử) và tư vấn doanh nghiệp bằng lời nói.
Căn cứ vào phương tiện tư vấn, có thể phân chia hoạt động tư vấn doanh nghiệp theo các hình thức: tư vấn qua email, tư vấn qua văn bản giấy in, tư vấn qua điện thoại,…
Căn cứ vào mức độ tư vấn thường xuyên, tư vấn doanh nghiệp được phân chia thành tư vấn thường xuyên và tư vấn theo vụ việc. Tư vấn thường xuyên có thể được thực hiện thông qua luật sư nội bộ của doanh nghiệp (dưới hình thức Hợp đồng lao động) hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên giữa doanh nghiệp với luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư. Tư vấn doanh nghiệp theo vụ việc là việc luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý tư vấn cho doanh nghiệp đối với mỗi vụ việc cụ thể khi doanh nghiệp có yêu cầu. Mỗi lần tư vấn theo vụ việc thường được thực hiện theo một hợp đồng dịch vụ pháp lý riêng biệt.
4. Các dạng hoạt động tư vấn doanh nghiệp
Tư vấn doanh nghiệp là lĩnh vực tư vấn sâu rộng, có nhiều dạng tư vấn vấn khác nhau, bao gồm năm dạng tư vấn doanh nghiệp chính:
Một là, tư vấn thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp.
Phạm vi tư vấn dạng này rất đa dạng, bao gồm giải thích một số quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; giúp khách hàng lựa chọn các phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể và phá sản doanh nghiệp; giúp khách hàng soạn thảo các văn bản, tài liệu, chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh để thành lập, tổ chức lại, giải thể; thực hiện các công việc cần thiết trong thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; trong nhiều trường hợp, luật sư đại diện cho khách hàng thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan,…
Trong hoạt động thành lập, đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, luật sư thường gặp các yêu cầu tư vấn sau: tư vấn lựa chọn hình thức doanh nghiệp phù hợp,; tư vấn về điều kiện thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đã lựa chọn; tư vấn về thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp; giúp khách hàng chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh, nộp và thực hiện các thủ tục khác tại cơ quan đăng ký kinh doanh để doanh nghiệp được nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tư vấn triển khai các thủ tục sau đăng ký kinh doanh để đưa doanh nghiệp vào hoạt động.
Trong hoạt động tổ chức lại doanh nghiệp, luật sư thường gặp các yêu cầu tư vấn sau: Tư vấn lựa chọn hình thức tổ chức lại doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu của khách hàng (sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức pháp lý của doanh nghiệp); tư vấn về điều kiện, thủ tục thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp theo phương án khách hàng đã lựa chọn; giúp khách hàng triệu tập các cuộc họp của cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp dể xem xét, quyết định việc tổ chức lại doanh nghiệp dứoi một hình thức cụ thể và soạn thảo các văn bản liên quan; chuẩn bị hồ sơ tổ chức lại doanh nghiệp gửi cơ quan đăng ký kinh doanh; giúp khách hàng triển khai các công việc cần thiết để tổ chức hoạt động cho doanh nghiệp trong mô hình mới; tư vấn giải quyết các xung đột trong nội bộ doanh nghiệp liên quan đến việc tổ chức lại doanh nghiệp.
Trong hoạt động giải thể doanh nghiệp, luật sư thường gặp các yêu cầu tư vấn sau: Tư vấn về điều kiện, thủ tục thực hiện việc giải thể doanh nghiệp; giúp khách hàng triệu tập các cuộc họp của cơ quan quản lý nội bộ doanh nghiệp để xem xét, quyết định về việc giải thể doanh nghiệp; soạn thảo các văn bản có liên quan đến việc ra quyết định giải thể doanh nghiệp; chuẩn bị hồ sơ giải thể doanh nghiệp gửi các cơ quan hữu quan; giúp khách hàng triển khai các công việc cần thiết để giải thể doanh nghiệp; tư vấn giải quyết các xung đột giữa các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp phát sinh từ việc giải thể doanh nghiệp.
Trong hoạt động phá sản doanh nghiệp, luật sư thường gặp các yêu cầu tư vấn sau: Tư vấn nhận biết các dấu hiệu của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản; tư vấn về điều kiện, thủ tục thực hiện việc phá sản doanh nghiệp; giúp khách hàng chuẩn bị hồ sơ yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp hoặc các công văn trả lời theo yêu cầu của Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp; chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ cần thiết liên quan đến việc giải quyết phá sản doanh nghiệp gửi Tòa án; giúp doanh nghiệp xây dựng phương án tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để trình hội nghị chủ nợ; tư vấn các vấn đề bnhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mắc nợ; tư vấn giải quyền quyền lợi cho các đối tượng liên quan (người lao đọng, chủ nợ, các chủ sở hữu của doanh nghiệp) khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp; tư vấn các hậu quả pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; trong nhiều trường hợp, luật sư được doanh nghiệp ủy quyền toàn bộ tham gia thủ tục giải quyết phá sản tại Tòa án. Tuy vậy, so với các hoạt đọng tư vấn khác, tư vấn về phá sản doanh nghiệp ít gặp hơn trong thực tế.
Hai là, tư vấn quản lý nội bộ doanh nghiệp.
Tư vấn pháp luật trong hoạt động quản lý nội bộ doanh nghiệp là giải đáp pháp luật, hướng dẫn doanh nghiệp ứng xử đúng pháp luật với mục đích điều chỉnh mối quan hệ của các chủ thể tham gia trong doanh nghiệp như các cổ đông, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Giám đốc, người lao động hoặc những người có liên quan khác và các biện pháp để những người này thực hiện được lợi ích của họ[4].
Tư vấn quản lý nội bộ doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp hoạt động tốt và thực hiện được các chiến lược kinh doanh; tránh các mâu thuẫn nội bộ trong doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh tốt và nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Tư vấn quản lý nội bộ doanh nghiệp bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó có thể đề cập một số nội dung cơ bản sau đây:
Tư vấn thiết kế cơ cấu tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp: là việc tư vấn mô hình tổ chức quản trị công ty dựa trên các yếu tố: hình thức pháp lý của doanh nghiệp, quy mô hoạt động và hình thức liên kết các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp và nguyện vọng của chủ sở hữu.
Tư vấn phân bổ quyền lực trong doanh nghiệp: phân bổ quyền lực trong doanh nghiệp là phân bổ quyền lực giữa chủ sở hữu và người quản trị, điều hành doanh nghiệp, đảm bảo quyền của chủ sở hữu đồng thời đảm bảo quyền quản trị độc lập của người quản trị doanh nghiệp. Tư vấn phân bổ quyền lực trong doanh nghiệp nhằm đảm bảo không có sự chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận; đảm bảo cho doanh nghiệp một cơ chế xây dựng chiến lược kinh doanh và cơ chế thực thi các chiến lược này; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, cơ quan quản trị và điều hành trong doanh nghiệp.
Tư vấn hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ của doanh nghiệp: Các văn bản quản lý nội bộ của doanh nghiệp bao gồm các văn bản trong hồ sơ pháp nhân của doanh nghiệp (Điều lệ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ con dấu,m hồ sơ tài khoản…); các văn bản mang tính quản lý nội bộ của doanh nghiệp (đây là loại văn bản do doanh nghiệp ban hành để phân chia quyền lực, quy định chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, giới hạn quyền lực và trách nhiệm của các bộ phận, đồng thời điều chỉnh các mối quan hệ và sự phối hợp giữa các bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp) và các văn bản mang tính sự vụ (văn bản doanh nghiệp ban hành để giải quyết một công việc cụ thể phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp như quyết định bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm một chức danh,…).
Tư vấn trong việc kiểm soát các giao dịch lớn và giao dịch dễ phát sinh tư lợi: Giao dịch có giá trị lớn là các giao dịch có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn được quy định tại Điều lệ doanh nghiệp. Giao dịch dễ phát sinh tư lợi thường là các giao dịch giữa doanh nghiệp và “người liên quan” của doanh nghiệp đó. Hoạt động tư vấn này giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Tư vấn nguyên tắc hoạt động và thủ tục thông qua các quyết định quản lý của doanh nghiệp: bao gồm nguyên tắc và quy trình ban hành Nghị quyết của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; nguyên tắc hoạt động và quy trình ban hành quyết định của Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần; tư vấn về phạm vi chịu trách nhiệm của người quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Ba là, tư vấn về sử dụng lao động trong doanh nghiệp.
Tư vấn về sử dụng lao động trong doanh nghiệp bao gồm tư vấn về tuyển dụng lao động; tư vấn quản lý, sử dụng lao động trong doanh nghiệp (gồm tư vấn xây dựng nội quy lao động, tư vấn xây dựng thỏa ước lao động tập thể); tư vấn trong quá trình quản lý, sử dụng lao động (tạm thời chuyển người lao động làm việc khác trái nghề, tư vấn về xử lý kỷ luật người lao động); tư vấn chấm dứt quan hệ lao động (tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghiệp; tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc được giao).
Bốn là, tư vấn về tài chính doanh nghiệp.
Tư vấn về tài chính doanh nghiệp bao gồm tư vấn quy chế pháp lý về vốn, tài sản của các loại hình doanh nghiệp;tư vấn về quy chế pháp lý tạo lập, huy động, quản lý, sử dụng và định đoạt các nguồn vốn và tài sản của doanh nghiệp; tư vấn pháp luật về lợi nhuận và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp; tư vấn về các quy định pháp luật thuế áp dụng đối với doanh nghiệp.
Năm là, tư vấn về quyền sở hữu công nghiệp.
Quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp là quyền của doanh nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Tư vấn về quyền sở hữu công nghiệp của doanh nghiệp gồm tư vấn về thủ tục đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp phải đăng ký, thủ tục gia hạn, soạn thảo các văn bản liên quan,… Trong một số trường hợp, luật sư tư vấn về sở hữu công nghiệp phải được được tào tạo chuyên môn riêng biệt và được cấp phép bởi Cục Sở hữu trí tuệ.
5. Yêu cầu, kỹ năng của luật sư tư vấn doanh nghiệp
5.1. Yêu cầu đối với luật sư tư vấn doanh nghiệp
Để tư vấn doanh nghiệp được tốt, luật sư cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau đây:
5.2. Kỹ năng tư vấn doanh nghiệp
Cũng như kỹ năng tư vấn pháp luật nói chung, ký năng tư vấn doanh nghiệp bao gồm các kỹ năng cơ bản tương ứng với các giai đoạn sau đây:
Một là kỹ năng tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu yêu cầu tư vấn.
Tiếp xúc khách hàng, tìm hiểu yêu cầu tư vấn có thể được thực hiện qua nhiều hình thức: trực tiếp tại văn phòng luật sư hoặc qua điện thoại hoặc qua email và các phương tiện giao tiếp khác. Dù thực hiện với hình thức nào, luật sư cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp để tiếp xúc khách hàng, và kỹ năng phân tích vấn đề, khai thác thông tin để tìm hiểu yêu cầu tư vấn. Trong quá trình tiếp xúc, tìm hiểu yêu cầu tư vấn của khách hàng, luật sư cần biết lắng nghe, đặt câu hỏi; xác định những thông tin, tài liệu cần thu thập. Trong nhiều trường hợp luật sư cũng cần biết cách để chuyển hướng trình bày của khách hàng vào đúng trọng tâm. Khi tiếp xúc khách hàng, luật sư cần chú trọng đến trang phục, thái độ phải lịch sự, nhã nhặn, đúng mực; xây dựng niềm tin nơi khách hàng.
Khi tiếp xúc khách hàng và tìm hiểu yêu cầu tư vấn, luật sư cần nắm bắt những thông tin ban đầu về: tính chất vụ việc, tính khẩn cấp của vụ việc, các tài liệu chủ yếu liên quan đến hồ sơ, các thông tin chính về khách hàng.
Để nắm bắt sự việc, luật sư cần có khả năng khái quát hóa và cụ thể hóa; làm sáng tỏ các câu hỏi liên quan đến vụ việc: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao?
Hai là, kỹ năng thỏa thuận hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Khi kết thúc giai đoạn tìm hiểu yêu cầu tư vấn, luật sư có thể đưa ra nhận định về kết luận sơ bộ về vụ việc; đánh giá tính chất và dự kiến được phạm vi, khối lượng công việc, thời gian và nhân sự để xử lý công việc, từ đó có cơ sở để chào phí dịch vụ tư vấn với doanh nghiệp và ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Nếu là hình thức tư vấn thường xuyên thì Hợp đồng dịch vụ pháp lý có thể đã được ký kết trước khi tìm hiểu yêu cầu tư vấn.
Ba là, kỹ năng xác định vấn đề pháp lý.
Đây là giai đoạn rất quan trọng trong hoạt động tư vấn, ảnh hưởng đến kết quả của hoạt động tư vấn. Thực chất của việc xác định vấn đề pháp lý là nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và thấu đáo hồ sơ, thông tin của khách hàng cung cấp và tìm ra những vấn đề mấu chốt cần giải quyết. Khi xác định vấn đề pháp lý, luật sư cần xuất phát từ câu hỏi của khách hầng muốn luật sư giải đáp.
Bốn là, kỹ năng xác định luật áp dụng.
Việc xác định vấn đề pháp lý là việc tìm ra câu hỏi pháp lý của nội dung yêu cầu tư vấn. Quy định pháp luật là nơi tìm ra cấu trả lời cho các câu hỏi pháp lý đó. Khi tra cứu văn bản pháp luật, luật sư cần xác định hiệu lực về không gian, thời gian của văn bản pháp luật áp dụng; dựa vào tính chất pháp lý của dữ kiện để xác định lĩnh vực pháp luật và các văn bản pháp luật cần nghiên cứu; dựa vào các câu hỏi pháp lý đã được xác định để tìm các điều luật liên quan. Khi tìm kiếm các văn bản pháp luật, luật sư không chỉ nghiên cứu các văn bản luật mà phải kiến cứu một cách toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật, kêt cả cả các văn bản dưới luật hướng dẫn văn bản luật đó. Quá trình áp dụng văn bản quy phạm pháp luật vào tình huống của khách hàng là quá trình lập luận để trả lời các vấn đề pháp lý mà nội dung tư vấn doanh nghiệp đặt ra.
Luật sư cần nâng cao khả năng sử dụng các công cụ online (trực tuyến qua mạng internet) để tìm kiếm các văn bản pháp luật, đảm bảo tính nhanh chóng và chính xác. Ví dụ, luật sư có thể tìm kiếm văn bản pháp luật qua công cụ tìm kiếm Goohle, Công báo: http://congbao.chinhphu.vn/, trang dữ liệu văn bản pháp luật của Quốc hội: http://vietlaw.gov.vn, của Chính phủ: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban , hệ thống văn bản pháp luật của Bộ tư pháp, các trang cung cấp văn bản pháp luật trực tuyến như http://Luatvietnam.vn, http://thuvienphapluat.vn ,… Việc sử dụng các văn bản pháp luật online giúp luật sư dễ dàng hệ thống hóa các văn bản pháp luật liên quan, tra cứu hiệu lực của văn bản,…
Năm là, kỹ năng trả lời tư vấn.
Luật sư có thể trả lời tư vấn bằng nhiều hình thức: trực tiếp bằng lời nói, qua điện thoại, qua email hoặc văn bản chính thức có ký tên của luật sư, có đóng dấu của tổ chức hành nghề luật sư. Dù trả lời dưới hình thức nào, việc trả lời tư vấn phải đảm bảo tính logíc, súc tích, chính xác, ngôn ngữ thích hợp, lịch sự, văn phòng rõ ràng, dễ hiểu; trả lời đúng hẹn.
Trong trường hợp trả lời bằng văn bản, luật sư cần phải tuyệt đối cẩn trọng về nội dung tư vấn. Trả lời tư vấn bằng văn bản, luật sư phải chú trọng kỹ thuật trình bày văn bản, đảm bảo tính chuyên nghiệp, phong cách của luật sư và tính cân đối, hài hòa của văn bản.
Để soạn thảo tốt văn bản tra lời tư vấn, ngoài việc luật sư am hiểu pháp luật, chuẩn bị kỹ trước khi viết, xác định đối tượng nhận văn bản tư vấn, xác định nội dung viết, luật sư còn phải có những kỹ năng bổ trợ như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng tin học văn phòng. Trong thời đại ngày nay luật sư cần phải đánh máy thư trả lời tư vấn, sử dụng phần mềm tin học văn phòng (Microsoft Word) một cách thành thạo để định dạng, trình bày văn bản đẹp và chuyên nghiệp.
Ngoài ra, luật sư còn phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đúng (chính tả, ngữ pháp), chuẩn xác, trong sáng. Trong quá trình soạn thảo thư trả lời tư vấn luật sư cần lựa chọn từ ngữ, cân nhắc thật kỹ cách dùng từ để sử dụng những từ ngữ thật “đắt”, có giá trị thuyết phục cao. Thuật ngữ pháp lý phải sử dụng chính xác, văn phong pháp lý phải sử dụng thích hợp.
Đối với thư trả lời tư vấn bằng tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh, thì phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong trình bày văn bản tiếng Anh pháp lý (Legal English), đảm bảo đúng ngữ pháp.
Kiều Anh Vũ(Trích Tiểu luận môn học Kỹ năng tư vấn pháp luậtLớp Đào tạo nghiệp vụ Luật sư tại Học viện tư pháp – năm 2012)
______________________________________
[1] Khoản 1 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005.
[2] Khoản 2 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005.
[3] Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005.
[4] Học viện Tư pháp, Phan Chí Hiêu, Nguyễn Thị Hằng Nga (chủ biên), Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, 2012, Nxb. Công an nhân dân, trang 169.